Kiến thức quanh ta
SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
NHẬN BIẾT NHANH CÁC DẤU HIỆU THIẾU CANXI VÀ CÁCH KHẮC PHỤC
Mục lục nội dung
- 1. Nhận biết nhanh các dấu hiệu thiếu canxi
- 1.1. Chuột rút - Dấu hiệu thiếu canxi điển hình
- 1.2. Choáng váng - Dấu hiệu thiếu canxi phổ biến
- 1.3. Dấu hiệu thiếu canxi - Mất ngủ, lo âu
- 1.4. Dấu hiệu thiếu canxi - Rối loạn nhịp tim
- 1.5. Dấu hiệu thiếu canxi - Tóc khô gãy, móng tay giòn, da thô ráp
- 1.6. Dấu hiệu thiếu canxi - Loãng xương, xương dễ gãy
- 1.7. Thiếu canxi dẫn đến suy nhược cơ thể
- 2. Cách khắc phục thiếu canxi
1. Nhận biết nhanh các dấu hiệu thiếu canxi
Canxi là khoáng chất quan trọng có vai trò giúp xương và răng chắc khỏe, hỗ trợ chức năng thần kinh, cơ bắp,... Thiếu canxi còn được gọi là hạ canxi máu, tức là trong máu không có đủ lượng canxi cần thiết. Theo nghiên cứu, trên thế giới có đến 3.5 tỷ người đã bị thiếu canxi hoặc có nguy cơ cao thiếu canxi.
Thư viện Y khoa Quốc gia cho biết, trong cơ thể người có 2% là canxi, tương đương với 1.200 gam. Các chuyên gia khuyến nghị, mọi người nên bổ sung đủ lượng canxi theo độ tuổi và giới tính:
- Người lớn từ 19-50 tuổi: Bổ sung 1.000 miligam canxi mỗi ngày.
- Nam giới từ 51 tuổi trở lên: Bổ sung 1.000 miligam canxi mỗi ngày.
- Phụ nữ từ 51 tuổi trở lên: Bổ sung 1.200 miligam canxi mỗi ngày.
Các dấu hiệu thiếu canxi rất khó phát hiện. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các hiện tượng: Chuột rút, rối loạn nhịp tim, mất ngủ, tóc khô gãy,... thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám.
Nếu xuất hiện các dấu hiệu thiếu canxi thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám
1.1. Chuột rút - Dấu hiệu thiếu canxi điển hình
Chuột rút là hiện tượng co cơ đột ngột, làm bạn cảm thấy đau đớn, cơn đau kéo dài lâu. Canxi là chất cần thiết giúp bó cơ thư giãn, giúp tế bào thần kinh ổn định. Thiếu canxi làm cho sự cân bằng tại các bó cơ bị phá vỡ, gây ra hiện tượng chuột rút, đặc biệt ở mặt sau cẳng chân.
1.2. Choáng váng - Dấu hiệu thiếu canxi phổ biến
Canxi là một thành phần quan trọng cho sự hoạt động của cơ trơn, đặc biệt là cơ trơn lót thành mạch máu. Nếu nồng độ canxi quá thấp, cơ trơn không co bóp làm mạch máu bị giãn ra, gây hiện tượng hạ huyết áp. Mỗi khi huyết áp xuống thấp đột ngột, bạn sẽ cảm thấy choáng váng.
1.3. Dấu hiệu thiếu canxi - Mất ngủ, lo âu
Canxi có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trong não. Nồng độ canxi trong máu mất cân bằng có thể làm bạn cáu kỉnh, lo âu, bồn chồn, mất ngủ và ngủ không ngon. Ngoài ra, thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt, làm tâm trạng bất ổn, dễ tức giận và bất an.
Nồng độ canxi trong máu mất cân bằng có thể làm bạn mất ngủ và ngủ không ngon
1.4. Dấu hiệu thiếu canxi - Rối loạn nhịp tim
Trên trang Frontiers in Physiology - một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy, tim không nhận đủ canxi sẽ gây co thắt cơ tim. Ngoài ra, cơ thể không đủ lượng canxi còn ảnh hưởng đến sự co và giãn của tế bào cơ, làm nhịp tim bất thường. Trong trường hợp nghiêm trọng, hạ canxi máu gây ra tình trạng suy tim. Theo ấn phẩm Clinical Medicine Insights: Cardiology được công bố năm 2017, hạ canxi cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử.
1.5. Dấu hiệu thiếu canxi - Tóc khô gãy, móng tay giòn, da thô ráp
Canxi là yếu tố cần thiết để duy trì chức năng của lớp ngoài cùng da, hay còn được gọi là lớp biểu bì. Lớp biểu bì hoạt động như một rào cản ngăn ngừa mất nước và bảo vệ da. Khi mức canxi thấp, hàng rào bảo vệ da bị tổn hại, da bị khô, mất nước. Ngoài ra, canxi cũng tham gia vào quá trình hoạt động của tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn. Trong đó, tuyến bã nhờn tiết dầu, giữ cho da và tóc có đủ độ ẩm, óng mượt.
Khi bị thiếu canxi, bạn còn cảm thấy móng tay mềm và dễ gãy hơn. Vì canxi là thành phần chính cấu tạo hệ xương và móng, nếu cơ thể thiếu canxi, móng tay mỏng hơn bình thường nên dễ gãy.
1.6. Dấu hiệu thiếu canxi - Loãng xương, xương dễ gãy
Nếu bạn không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết, cơ thể phải lấy canxi trong xương, răng và móng để duy trì nồng độ trong máu. Do đó, xương yếu và dễ gãy, lâu dần gây ra tình trạng loãng xương. Đặc biệt, loãng xương xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho hệ xương khớp.
Đặc biệt, loãng xương xuất hiện nhiều ở người lớn tuổi
1.7. Thiếu canxi dẫn đến suy nhược cơ thể
Thiếu canxi gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia, triệu chứng hạ canxi máu kéo dài hơn so với khi thiếu hụt chất dinh dưỡng khác. Khi bị hạ canxi máu, kèm theo cơn mệt mỏi, bạn còn cảm thấy choáng váng, chóng mặt, khó tập trung.
2. Cách khắc phục thiếu canxi
Có nhiều cách để khắc phục hiện tượng thiếu canxi như: Uống thuốc, điều trị bệnh nền và bổ sung thực phẩm giàu canxi.
2.1. Dùng thuốc
Đối với người thiếu canxi nặng hoặc bị hạ canxi máu, dùng thuốc là phương pháp an toàn và có hiệu quả nhanh nhất. Tuy nhiên, bạn phải thăm khám bởi bác sĩ, hỏi ý kiến và thực hiện đúng theo đơn thuốc. Thông thường, các thành phần giúp tăng lượng canxi được ghi trên nhãn dán thuốc là:
- Canxi cacbonat (Trong đó có chứa 40% canxi nguyên tố).
- Canxi citrat (Trong đó có chứa 21% canxi nguyên tố).
- Canxi gluconat (Trong đó có chứa 9% canxi nguyên tố).
- Canxi lactat (Trong đó có chứa 13% canxi nguyên tố).
Các loại thuốc được bác sĩ sử dụng nhiều là: Calcifediol, Canxi gluconat dùng để tiêm, Calcitriol, nhóm thuốc Bisphosphonate,...
2.2. Điều trị dứt điểm các bệnh nền gây thiếu canxi
Ba bệnh nền phổ biến nhất làm hạ canxi máu chính là:
- Suy tuyến cận giáp: Tuyến cận giáp là bốn tuyến nhỏ như hạt đậu nằm gần tuyến giáp sau cổ. Tuyến cận giáp không sản xuất đủ lượng hormone PTH nên lượng canxi trong máu hạ thấp.
- Thiếu vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu và tổng hợp canxi. Vậy nên, thiếu Vitamin D làm nồng độ canxi trong máu thấp, cơ thể xuất hiện dấu hiệu thiếu canxi.
- Suy thận: Nồng độ photpho trong máu tăng cao làm giảm lượng vitamin D trong thận, cơ thể khó tổng hợp canxi.
Ngoài ra, người bị viêm tụy, hạ magie máu, suy tuyến cận giáp giả,... có nguy cơ bị thiếu canxi cao. Vậy nên, để phòng ngừa các dấu hiệu thiếu canxi, bạn phải điều trị dứt điểm bệnh nền làm hạ canxi máu.
Một trong những bệnh nền phổ biến nhất làm hạ canxi máu chính là suy tuyến cận giáp
2.3. Bổ sung thực phẩm giàu canxi
Theo các chuyên gia, bổ sung nguồn canxi từ thực phẩm là phương pháp an toàn nhất. Nếu bạn mới chớm hoặc có nguy cơ cao thiếu canxi, bạn nên bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ ăn hàng ngày:
- Các loại hạt: Trong các loại hạt như hạt chia, hạt vừng,... chứa nhiều canxi và cả chất béo lành mạnh. Trong khoảng 9g hạt khô chứa tương đương 9% nhu cầu canxi của cơ thể.
- Các loại đậu: Trong 172g đậu rồng chứa 24% nhu cầu canxi, trong 179g đậu trắng tây chứa 13% nhu cầu canxi mỗi ngày. Các loại đậu khác cũng cung cấp khoảng 4-6% nhu cầu canxi trong một cốc.
- Rau xanh: Các loại rau có màu xanh đậm như bina, cải xoăn,... chứa đến 1/4 nhu cầu canxi cơ thể cần (Trong 190g).
- Whey Protein: Whey được chế biến từ váng sữa, chứa nhiều chất dinh dưỡng và axit amin. Một muỗng bột whey tinh khiết cung cấp 20% nhu cầu canxi hàng ngày cơ thể cần.
- Sữa và chế phẩm: Sữa tươi, sữa chua, phô mai,... đều giàu canxi và bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác cho cơ thể.
- Cá mòi và cá hồi: Hai loại cá đóng hộp có phần xương mềm, bạn có thể ăn được trực tiếp. Vậy nên, đây là nguồn bổ sung canxi hiệu quả.
Ngoài ra, để cơ thể hấp thu tốt canxi từ thức ăn, bạn nên bổ sung thêm cả Vitamin D3. Các nguồn thực phẩm có nhiều Vitamin D3 là: Trứng, thịt heo, gan bò, cá hồi, cá mòi, sữa nguyên kem và ít béo,...
Nếu bạn không thể thay đổi thực đơn hàng ngày bằng các thực phẩm nhiều canxi, bạn có thể dùng viên uống bổ sung. Trong các loại thực phẩm bổ sung dạng viên uống có chứa lượng canxi đủ cho nhu cầu một ngày.
2.4. Thăm khám sức khỏe định kỳ
Bạn bị hạ canxi máu nếu nồng độ canxi trong huyết thanh thấp hơn 8,8 mg/dL. Nếu bạn chưa chắc chắn mình bị thiếu canxi nhưng thấy các dấu hiệu thiếu canxi, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Ngoài xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện điện tâm đồ, xét nghiệm hình ảnh xương,... để chẩn đoán đúng tình trạng cơ thể.
Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện điện tâm đồ để chẩn đoán đúng tình trạng cơ thể
Nếu bạn bị hạ canxi máu mãn tính, bạn phải thường xuyên đến gặp bác sĩ hoặc theo đúng lịch hẹn. Ngoài ra, bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ theo khuyến nghị của chuyên gia (6 tháng 1 lần). Qua các xét nghiệm, bạn sẽ sớm phát hiện thiếu canxi máu và ngăn được nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ ăn uống hoặc các sản phẩm bổ sung phù hợp với bạn.
Qua bài viết trên, bạn đọc đã tìm hiểu về dấu hiệu thiếu canxi và các cách khắc phục hiện tượng hạ canxi máu. Hạ canxi máu có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vậy nên, ngay khi phát hiện bị thiếu canxi hoặc xuất hiện các dấu hiệu như trên, bạn nên gặp bác sĩ để thăm khám.
Khi gặp vấn đề về sức khoẻ răng miệng, bạn hãy liên hệ với Tâm Đức Smile bằng cách:
- Gọi đến Hotline 19008040 - 0329851079 (Có sử dụng Zalo/Viber).
- Để lại câu hỏi thắc mắc vào bảng bên dưới.