Trang chủ / Kiến thức quanh ta / 5+ MẸO GIẢM BỚT TIỂU ĐÊM NHIỀU LẦN DỄ THỰC HIỆN TẠI NHÀ

5+ MẸO GIẢM BỚT TIỂU ĐÊM NHIỀU LẦN DỄ THỰC HIỆN TẠI NHÀ

Tiểu đêm là hội chứng thường gặp ở cả nam lẫn nữ, phổ biến nhất là ở người cao tuổi. Hiện tượng này làm gián đoạn giấc ngủ, gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống hàng ngày. Nếu đang bị làm phiền vì đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, mời bạn cùng theo dõi các mẹo vặt trị tiểu đêm ở bài viết dưới đây.

1. Mẹo giảm bớt tiểu đêm nhiều lần, dễ thực hiện tại nhà

Tiểu nhiều lần vào ban đêm là tình trạng nhiều người gặp phải, gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Các mẹo vặt trị tiểu đêm dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện từng nhóm nguyên nhân, khôi phục lại chất lượng giấc ngủ ban đầu. Vì không sử dụng thuốc, nên bạn phải kiên trì thực hiện mỗi ngày để thấy rõ hiệu quả của từng phương pháp.

1.1. Không uống nước vào buổi đêm trước khi đi ngủ

Theo các chuyên gia, uống nhiều nước trước khi ngủ dẫn đến tiểu đêm là cơ chế bình thường của cơ thể. Đôi khi, vì bận rộn mà mọi người thường quên uống nước vào ban ngày, sau đó uống bù vào buổi tối. Hoặc là thời gian dài bạn không uống nước, buổi tối cơ thể cảm thấy khát nên mới uống. Khi dung nạp lượng nước nhiều, bàng quang sẽ nhanh chóng đầy lên, tạo thành phản xạ đi tiểu.

Vì thế, bạn nên hạn chế uống nước từ 3 -4 tiếng trước khi đi ngủ vào buổi tối. Đặc biệt, bạn nên hạn chế uống nhiều nước sau 18h, không uống nước sau 22h để bảo vệ sức khỏe thận. Đồng thời, bạn hãy tập thói quen đi tiểu trước khi chuẩn bị đi ngủ để làm trống bàng quang và hạn chế các cơn tiểu đêm.

1.2. Không dùng các chất kích thích bàng quang

Một số loại thực phẩm kích thích bàng quang là: Cà phê, đồ cay, nước uống có gas,... Những loại thực phẩm này làm bạn muốn đi tiểu nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Để cải thiện chứng tiểu đêm, bạn nên tránh sử dụng các loại thực phẩm có chứa caffeine, axit hoặc có vị cay. Bắt đầu từ thời điểm chiều tối, bạn đã không nên ăn hoặc uống quá nhiều.

Mẹo giảm bớt tiểu đêm nhiều lần

Các loại nước uống có gas sẽ khiến đi tiểu nhiều hơn

Ngoài ra, thuốc lá cũng là chất gây kích thích bàng quang, làm bạn dễ mắc chứng tiểu đêm hơn. Nếu bạn thường xuyên hút thuốc, hãy cân nhắc từ bỏ thói quen này để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa hiện tượng tiểu đêm. Bạn không nên dùng các loại thực phẩm có chứa chất kích thích như rượu bia, sản phẩm có chứa rượu (Socola nhân rượu,...).

1.3. Uống thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ

Nguyên nhân làm bạn tiểu nhiều lần vào ban đêm một phần là do các bệnh lý về thận, đường tiết niệu. Trong trường hợp bạn được chẩn đoán mắc bệnh và dùng thuốc điều trị, bạn phải uống thuốc theo đúng chỉ định từ bác sĩ. 

Với mỗi nhóm bệnh khác nhau, phác đồ điều trị và tần suất uống thuốc cũng khác nhau. Vậy nên, chỉ cần bạn quên hoặc bỏ thuốc 1 ngày, hiện tượng tiểu đêm sẽ tái diễn. Bạn hãy uống thuốc đúng với liều lượng, thời gian theo chỉ định để khắc phục chứng tiểu đêm nhanh chóng.

Ngoài ra, một số người điều trị bệnh cần dùng thuốc lợi tiểu. Nếu bạn dùng vào buổi tối, ban đêm cơ thể mới hấp thụ thuốc, gây ra hiện tượng tiểu nhiều lần. Vậy nên, bạn hãy trao đổi lại với bác sĩ, chuyển thời gian dùng thuốc sao cho hợp lý hơn.

Mẹo giảm bớt tiểu đêm nhiều lần

Tiểu nhiều lần có thể do bệnh về thận

1.4. Tạo lối sống lành mạnh

Người gặp chứng tiểu đêm thường do suy giảm chức năng thận, do tâm lý hay nhiều yếu tố khác. Vậy, điều chỉnh lối sống là giải pháp hữu hiệu, bền vững để cải thiện tình trạng này. Một số thói quen hàng ngày giúp bạn giảm đi tiểu nhiều vào ban đêm bao gồm:

  • Nghỉ ngơi hợp lý (ngủ đủ 7-8 tiếng), luôn duy trì sự thoải mái, vui vẻ, hạn chế stress.
  • Duy trì tập luyện các bộ môn thể thao như chạy bộ, đi bộ,... Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế các bộ môn gây áp lực lên bàng quang như đạp xe. Các bài tập Kegel được nhiều chuyên gia khuyến khích, làm chắc cơ sàn chậu và giảm hoạt động của bàng quang.
  • Hạn chế sử dụng các món ăn lợi tiểu như: Rau cải, bầu hay mướp,... trong bữa ăn tối. Đồng thời, bạn nên ăn nhiều rau xanh giàu chất xơ trong khẩu phần ăn.

1.5. Giữ tinh thần ổn định, quản lý giấc ngủ chặt chẽ

Chứng tiểu đêm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, yếu tố tâm lý và chứng rối loạn giấc ngủ được xem là tác nhân phổ biến. Để khắc phục các vấn đề này, bạn nên giữ tinh thần ổn định, quản lý giấc ngủ đúng giờ và hiệu quả hơn. 

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm có thể gây mất ngủ như cà phê, trà xanh,...
  • Duy trì thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ, đây là mẹo vặt trị tiểu đêm đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu.
  • Nghe nhạc để tinh thần thả lỏng hoặc tâm sự với người khác để giải tỏa những vấn đề về tâm lý.
  • Sử dụng nến thơm hoặc các liệu pháp Massage để thả lỏng trước khi đi vào giấc ngủ. Bạn có thể bấm các huyệt thần môn ở cổ tay, huyệt dũng tuyền ở bàn chân và huyệt phong trì ở sau gáy.
  • Sử dụng trà thảo mộc, trà hoa cúc hoặc sữa ấm,... giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn. Lưu ý, bạn chỉ uống một lượng nhỏ để tránh làm đầy bàng quang, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn. 
  • Bạn hãy thử áp dụng các liệu pháp như thiền, yoga để duy trì tinh thần thư thả, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Khi chu kỳ ngủ được cải thiện hợp lý, vấn đề tiểu đêm cũng được giải quyết. 

Mẹo giảm bớt tiểu đêm nhiều lần

Một cốc trà hoa cúc nhỏ sẽ giúp thư giãn và dễ ngủ ngon hơn

1.6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh

Ngoại trừ các nguyên nhân từ thói quen hàng ngày, bệnh lý cũng là yếu tố gây ra cơn tiểu đêm. Nếu bạn đã áp dụng toàn bộ mẹo vặt trị tiểu đêm mà vẫn không cải thiện được, bạn hãy đi kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, người bình thường cũng nên kiểm tra sức khỏe mỗi năm 2 lần để tầm soát bệnh tốt hơn.

Nếu phát hiện tiểu đêm là do bệnh lý, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp can thiệp phù hợp. Nếu bạn gặp phải chứng tiểu đêm do suy giảm chức năng thận, bác sĩ sẽ hướng dẫn để bạn điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt hàng ngày.

2. Tiểu đêm là gì và tại sao lại bị tiểu đêm nhiều lần?

Bàng quang của một người trưởng thành thường chứa được từ 300-400ml nước tiểu. Khi đầy, bàng quang tạo kích thích, dẫn truyền lên não bộ để tạo ra phản xạ đi tiểu. Khi ngủ, cơ thể sẽ tạo ra phản xạ ức chế thần kinh, không cho bàng quang co bóp. Nhờ đó mà trong quá trình ngủ, chúng ta thường không có cảm giác muốn đi tiểu.

2.1. Khi nào được gọi là tiểu đêm?

Tiểu đêm là một vấn đề sức khỏe, biểu hiện khi người bệnh phải thức giấc nhiều hơn 1 lần/ngày để đi tiểu. Nếu hiện tượng này diễn ra mỗi ngày với tần suất nhiều hơn, bạn nên nhanh chóng đi khám. Bác sĩ sẽ xác định là chứng tiểu đêm khi số lượng nước tiểu ban đêm nhiều hơn 35% tổng lượng nước tiểu trong 1 ngày.

Mẹo giảm bớt tiểu đêm nhiều lần

Tiểu đêm nhiều lần làm giảm chất lượng giấc ngủ

Người bệnh tiểu đêm thường bị thức giấc giữa đêm để đi tiểu. Hiện tượng này làm gián đoạn giấc ngủ, về lâu dài làm bạn bị uể oải, mệt mỏi. Do vậy, bạn hãy áp dụng các mẹo vặt trị tiểu đêm được gợi ý ở trên để cải thiện ngay tại nhà.

2.2. Nguyên nhân gây tiểu đêm nhiều lần

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng đi tiểu đêm nhiều lần. Trong đó, phổ biến và nguy hiểm nhất là nhóm nguyên nhân liên quan đến bệnh lý, bao gồm:

  • Đi tiểu nhiều về đêm do mất cân bằng dịch: Việc mất cân bằng dịch làm lượng nước tiểu tăng lên nhiều lần so với bình thường. Một số nguyên dẫn của mất cân bằng dịch là: Do uống nhiều nước, uống rượu bia; Ứ máu tĩnh mạch; Sử dụng thuốc lợi tiểu; Biến đổi chức năng tiết hormone chống lợi niệu;...
  • Tiểu đêm do các vấn đề thần kinh: Phản xạ mắc tiểu của cơ thể do bàng quang báo tín hiệu lên hệ thần kinh ngoại biên. Vì vậy, bất kỳ vấn đề về thần kinh nào cũng có thể dẫn đến tiểu đêm.
  • Tiểu đêm do vấn đề rối loạn đường tiểu dưới: Khi ngủ, chức năng cô đặc nước tiểu giúp bạn có giấc ngủ ngon, không bị gián đoạn. Càng lớn tuổi, chức năng này càng bị suy giảm và dẫn đến hiện tượng tiểu nhiều về đêm.
  • Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt: Bệnh này có dấu hiệu là phì đại tuyến tiền liệt, làm thành bàng quang bị dày lên. Vì thế, bàng quang cũng chứa được ít nước tiểu hơn, gây tiểu vào ban đêm.

Trên đây là tổng hợp các mẹo vặt trị tiểu đêm, các thông tin về chứng tiểu đêm và nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Nếu tình trạng tiểu đêm lặp lại kéo dài, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và điều trị sớm.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN TRỰC TIẾP

Hoặc gọi 1900 8040 để được hỗ trợ trực tiếp