Kiến thức quanh ta
SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
RẰM THÁNG 7 VÀO NGÀY NÀO? NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG THÁNG 7
Mục lục nội dung
1. Rằm tháng 7 vào ngày nào?
Rằm tháng 7 là ngày 15/7 âm lịch hàng năm, còn được biết đến là: Lễ Vu Lan, Lễ Xá tội vong nhân hoặc Tiết Trung Nguyên. Đây là ngày lễ lớn trong Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong năm 2024, Rằm tháng 7 rơi vào ngày 18/8 dương lịch (ngày Chủ nhật).
Về mặt Phật giáo, Rằm tháng 7 (Lễ Vu Lan) là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện của Mục Kiền Liên Bồ Tát cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ bằng cách cúng dường chư tăng. Do đó, Rằm tháng 7 cũng là dịp để con cháu báo hiếu và làm việc thiện nguyện.
Về mặt tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 là thời điểm “mở cửa quỷ môn”, các vong linh được phép trở về dương gian. Vì vậy, người dân thường cúng bái để cầu siêu cho người thân đã khuất, đồng thời xua đuổi tà ma, mang lại bình an cho gia đình.
Rằm tháng 7 hay còn được biết đến với tên gọi là Lễ Vu Lan
2. Những điều kiêng kỵ trong tháng 7
Với tinh thần "có kiêng có lành", bạn nên tránh làm những điều dưới đây để giữ bình an cho bản thân và gia đình trong tháng 7.
2.1. Không đi chơi đêm
Người ta tin rằng, tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), là thời gian mà các linh hồn và ma quỷ được tự do đi lại giữa dương gian. Ban đêm, đặc biệt là sau 12 giờ là lúc âm khí mạnh nhất, dễ xảy ra các hiện tượng tâm linh. Đi chơi đêm dễ thu hút ma quỷ, khiến họ quấy rầy, trêu ghẹo thậm chí là hại bạn.
2.2. Không treo chuông gió
Âm thanh vang, ngân nga của chuông gió được cho là có khả năng thu hút vong linh, ma quỷ. Theo quan niệm dân gian, ma quỷ sẽ ám vào chuông gió, biến nó thành vật trung gian để tác động tiêu cực đến gia chủ. Vận rủi biểu hiện qua nhiều khía cạnh như: Sức khỏe sa sút, công việc trắc trở, tài lộc hao hụt, mâu thuẫn gia đình,...
Không nên treo chuông gió trong tháng 7 để tránh vận rủi
2.3. Không hò hét, nói to
Ma quỷ thường ẩn náu ở những nơi vắng vẻ, ít người qua lại. Âm thanh lớn dễ thu hút sự chú ý của ma quỷ, làm chúng tìm đến. Hò hét, nói to còn làm ma quỷ hiểu lầm, cho rằng người đó đang khiêu khích, thách thức chúng. Điều này làm cho các linh hồn tức giận và gây ra những điều không may mắn cho bản thân bạn.
2.4. Không nên gọi tên nhau
Theo quan niệm dân gian, ma quỷ có khả năng ghi nhớ tên gọi của con người và dùng tên đó để trêu chọc, quấy rầy, hãm hại họ. Để tránh thu hút sự chú ý của các linh hồn, người ta thường kiêng gọi tên thật của nhau vào những thời điểm này. Thay vào đó, họ sử dụng biệt danh hoặc cách gọi khác như "bạn ơi", "anh/chị" để tránh việc các linh hồn nhận diện và nhớ đến người đó.
2.5. Tránh mua nhà, mua xe vào rằm tháng 7
Nhiều người tin rằng tháng cô hồn là thời điểm không may mắn để thực hiện các việc lớn như mua nhà, mua xe. Thực hiện những việc này trong Rằm tháng 7 gia chủ dễ gặp phải những trục trặc liên quan đến pháp lý, sự cố kỹ thuật,...
Ngoài ra, tâm lý chung của nhiều người cũng có xu hướng tránh thực hiện các giao dịch lớn trong tháng này. Do đó làm cho thị trường mua bán nhà, xe ảm đạm hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá cả và cơ hội giao dịch.
2.6. Hạn chế tổ chức sự kiện lớn
Người ta tin rằng các linh hồn và ma quỷ trong tháng cô hồn mang lại xui xẻo và rủi ro. Tổ chức các sự kiện như: Cưới hỏi, khai trương, khởi công xây dựng,... trong tháng này dễ gặp trục trặc, tổn thất về tài lộc. Theo tín ngưỡng dân gian, hạn chế tổ chức sự kiện trong tháng này là cách tôn trọng và giữ bình yên cho các linh hồn.
Những điều kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch chủ yếu dựa trên quan niệm dân gian và chưa được khoa học chứng minh. Tuy nhiên, chúng ta nên tôn trọng những quan niệm này để thể hiện sự thành kính và tránh những điều không hay xảy ra.
3. Những việc nên làm trong tháng 7 để tránh xui xẻo
Ngoài kiêng kỵ những điều trên, để mang lại may mắn, bình an cho bản thân và gia đình bạn nên làm những điều sau.
3.1. Làm lễ cúng Rằm tháng 7
Lễ cúng Rằm tháng 7 để chúng ta tưởng nhớ và tri ân những người đã khuất. Đồng thời là dịp để chúng ta cầu cho những vong linh được siêu thoát, sớm về nơi an nghỉ.
3.1.1. Cách chuẩn bị mâm cúng
Mâm cúng rằm tháng 7 thường được chia thành 3 mâm chính
- Mâm cúng Phật: Gồm các món chay như: Xôi gấc, xôi đỗ xanh, chè, cháo, rau củ, hoa quả,... Bạn nên cúng vào buổi sáng và đặt mâm cúng Phật ở vị trí cao nhất trong nhà.
- Mâm cúng gia tiên: Gồm các món ăn mặn là: Gà luộc, canh măng, nem rán, giò lụa,... Đối với mâm cúng gia tiên, bạn nên cúng vào buổi trưa hoặc chiều tối và đặt mâm cúng ở dưới mâm cúng Phật.
- Mâm cúng cô hồn: Gồm các món đơn giản như: cháo trắng, bỏng ngô, khoai lang luộc, bánh kẹo, tiền vàng,... Bạn nên cúng vào buổi tối và đặt mâm cúng cô hồn ở ngoài sân hoặc trước cửa nhà.
Lưu ý: Bạn nên chọn những thực phẩm tươi ngon, sạch sẽ và số lượng lễ vật nên là số lẻ. Khi cúng bạn cần thành tâm và trang nghiêm.
Mâm cúng gia tiên rằm tháng 7
3.1.2. Cách cúng
Dưới đây là các bước cúng vái rằm tháng 7 thông thường:
- Thắp hương, khấn vái: Đầu tiên, bạn cần thắp hương và khấn vái để tưởng nhớ tổ tiên và các linh hồn người đã khuất.
- Đọc kinh cầu siêu: Sau khi thắp hương, bạn nên đọc các kinh cầu siêu. Các kinh này thường là các văn khấn ngắn gọn, mô tả lòng thành cầu nguyện, mong cho linh hồn của người đã mất được an lành.
- Mời vong linh đến thưởng thức: Là bước mời các linh hồn đến tham dự lễ cúng và thưởng thức các lễ vật và lời cầu nguyện của gia đình.
- Dâng lễ vật: Sau khi thắp hương, khấn vái và mời linh hồn đến, gia đình sẽ dâng lễ vật. Lễ vật bao gồm các loại trái cây tươi, bánh kẹo,....
- Hóa vàng mã: Bước này được hiểu là biểu thị cho việc cúng dường các lễ vật để chuyển giao cho các vong linh.
3.2. Tham gia các hoạt công tác thiện nguyện
Trong đạo Phật, làm việc thiện giúp tích lũy công đức, mang lại may mắn, bình an cho bản thân và gia đình. Tham gia các hoạt động như: Phóng sanh, cúng dường, giúp đỡ người nghèo,... là cách để chúng ta thể hiện lòng từ bi, bác ái. Việc làm này không chỉ giúp đỡ những người đang gặp khó khăn mà còn giúp các vong linh sớm được siêu thoát.
Đồng thời, tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp chúng ta thanh tịnh tâm hồn, hướng đến những giá trị đạo đức tốt đẹp. Khi chứng kiến những điều tốt đẹp được lan tỏa, chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ, lạc quan và có niềm tin vào cuộc sống.
3.3. Thả đèn hoa đăng cầu siêu
Thả đèn hoa đăng là hành động giúp các linh hồn được giải thoát và siêu thoát. Thả đèn hoa đăng còn có tác dụng xua đuổi ma quỷ, mang lại bình yên cho gia đình và mọi người xung quanh. Ánh sáng từ ngọn đèn tượng trưng cho sự hy vọng, niềm tin vào những điều tốt đẹp trong tương lai. Việc làm này thể hiện mong muốn xua tan những điều xui xẻo, đen tối, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và những người thân yêu.
Lưu ý: Bạn nên thả đèn hoa đăng ở những nơi an toàn, tránh gây ô nhiễm môi trường. Nên sử dụng đèn hoa đăng được làm từ vật liệu tự nhiên, dễ phân hủy.
Thả hoa đăng là được xem là hành động giúp cầu siêu cho các linh hồn
3.4. Lau dọn bàn thờ sạch sẽ
Lau dọn bàn thờ sạch sẽ là cách để người sống thể hiện lòng thành kính và tôn trọng đối với tổ tiên. Bàn thờ là nơi linh thiêng, là nơi để thờ tự và cầu nguyện. Việc lau dọn bàn thờ thường xuyên giúp duy trì không gian này sạch sẽ, trang trọng, thuận lợi cho các hoạt động tâm linh và cầu nguyện.
Có thể thấy rằng Rằm tháng 7 là một dịp lễ mang đậm giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt Nam. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc Rằm tháng 7 vào ngày nào và hiểu rõ hơn về ý nghĩa của ngày này. Chúng ta nên gìn giữ giá trị truyền thống này, để Rằm tháng 7 mỗi năm là cơ hội để bày tỏ lòng thành kính với những người đã khuất.