Trang chủ / Kiến thức / NƯỚU RĂNG LÀ GÌ? HƯỚNG DẪN CÁCH CHĂM SÓC NƯỚU RĂNG CHẮC KHỎE

NƯỚU RĂNG LÀ GÌ? HƯỚNG DẪN CÁCH CHĂM SÓC NƯỚU RĂNG CHẮC KHỎE

Nướu răng là phần mô mềm bao phủ quanh cổ răng. Nướu đóng vai trò bảo vệ răng và là đặc điểm để Quý khách nhận biết tình trạng sức khỏe răng miệng của mình. Nướu cũng là vị trí nhận về nhiều tác động từ bên ngoài. Quá trình ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng có thể làm tổn thương nướu, gây ra chảy máu, viêm nhiễm, đen viền nướu…. Nha khoa Tâm Đức Smile mời Quý khách tham khảo bài viết sau đây để hiểu nướu răng là gì? Làm cách nào để nướu răng luôn khỏe mạnh?

1. Nướu răng là gì? 

Nướu răng còn được gọi là lợi, là một phần của niêm mạc miệng, bao phủ cổ răng của toàn bộ cung hàm. Chúng ôm sát vào phần cổ răng và trải dài từ cổ răng tới tận đáy hành lang miệng. Trong khoang miệng, nướu răng đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cụ thể như:

  • Giữ cho răng cố định: Nướu giúp răng nằm đúng vị trí, đảm bảo tính cân bằng, ổn định trong toàn hàm.
  • Tạo hành lang kết nối các răng: Nướu tạo thành một vòng liên kết và tạo ra hành lang giúp các răng bám chặt vào nướu.
  • Liên kết với niêm mạc miệng: Nướu giữ cho không gian giữa niêm mạc miệng và nướu không bị trống. Nhờ đó, vi khuẩn và các tác nhân gây hại không thể xâm nhập vào khoang miệng để gây tổn thương.
  • Bảo vệ xương hàm: Nướu bao phủ và bảo vệ toàn bộ vùng xương hàm tránh khỏi những tổn thương. Ngoài ra, nướu còn bảo vệ chân răng khỏi vi khuẩn và ngăn ngừa hình thành mảng bám.

mô hình nướu răng là gì

Nướu (hay còn gọi là lợi) có vai trò cực kỳ quan trọng trong khoang miệng

2. Cấu tạo của nướu răng 

Về cấu tạo, nướu răng bao gồm 8 phần: Nướu rời (nướu tự do), nướu dính, rãnh nướu, khe nướu, đường tiếp nối nướu - niêm mạc, nướu sừng hóa,  gai nướu và lõm nướu.

2.1. Nướu tự do (Nướu rời)

Là phần mô nướu bao quanh cổ răng và không dính liền vào răng. Chúng được ngăn cách với nướu dính bằng một rãnh nhỏ (rãnh nướu dời) và tách ra được khỏi răng bằng cây thăm dò. Thông thường, nướu tự do rộng khoảng 1 - 1.6mm, đủ để tạo nên vách mềm của khe nướu.

2.2. Nướu dính

Là vùng tiếp nối của nướu tự do với bề rộng khoảng 0.5 - 6mm. Nướu dính được giới hạn từ rãnh nướu tới phần tiếp giáp giữa niêm mạc ổ xương răng và nướu. Chúng bám chắc vào răng và không có khả năng di chuyển cũng như thay đổi vị trí, cấu tạo.

2.3. Rãnh nướu

Rãnh nướu là đường lõm cạn nằm trên bề mặt nướu, phân chia nước tự do và nướu dính. Thông thường, rãnh nướu chỉ hiện diện khoảng 30 - 40% ở người trưởng thành.

2.4. Khe nướu

Là một rãnh nhỏ có hình chữ V, nơi tiếp xúc giữa nướu rời và bề mặt răng. Khe nướu có thể sâu tới 3.5 m và có cấu tạo 2 vách: Vách mềm là nướu rời, vách cứng là bề mặt răng.

nướu răng là gì

Khe nướu là rãnh nhỏ hình chữ V

2.5. Nướu sừng hóa

Là lớp nướu bám sát răng nhất, trải dài từ bờ viền nướu cho tới đường tiếp nối giữa nướu và niêm mạc. Nướu sừng hóa có chiều cao trung bình 1 - 9mm và sẽ tăng dần dựa theo độ tuổi.

2.6. Đường tiếp nối nướu - niêm mạc

Đây là một đường cong có hình vỏ sò để phân chia niêm mạc ổ xương răng với nướu sừng hóa. Thông thường đường tiếp nối này có màu đỏ sậm và không có nhiều chấm li ti trên bề mặt.

2.7. Gai nướu 

Là phần nướu có hình tháp, nằm giữa các kẽ răng với tác dụng lấp đầy khoảng trống giữa chúng. Có 2 loại gai nướu là gai nướu ngoài và gai nướu trong, chúng được liên kết với nhau bằng yên nướu. Nếu không có gai hoặc gai nướu quá lớn sẽ làm kẽ răng bị thưa. Lúc này, thức ăn dễ bám vào, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển.

2.8. Lõm nướu 

Bao gồm các rãnh nằm dọc nướu răng, song song với trục dài của những răng kế cận. Thông thường, lõm nướu nằm ở giữa các răng trong vùng nướu dính.

3. Nướu răng khỏe mạnh có đặc điểm gì?

Nướu răng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng. Quý khách có thể nhận biết nướu răng khỏe mạnh qua những đặc điểm sau đây.

3.1. Màu sắc nướu

Nướu răng khỏe mạnh sẽ thường có màu hồng san hô hoặc hồng sẫm. Tùy vào cơ địa của mỗi người mà màu sắc của nướu có thể thay đổi, nhưng vẫn mang sắc thái hồng. Nếu Quý khách thấy nướu có màu đỏ, trắng, xanh… đây là dấu hiệu cảnh báo viêm nướu hoặc các bệnh lý về nướu.

3.2. Hình dạng nướu

Khi nướu khỏe mạnh, viền nướu mỏng, có hình cong hoặc hình vỏ sò, ôm sát vào chân răng. Khi Quý khách vệ sinh răng miệng sẽ không bị đau rát hay chảy máu chân răng.

3.3. Khe nướu

Nướu khỏe mạnh có độ sâu trung bình từ 1 – 3mm. Khi Quý khách thăm dò vào nướu sẽ không bị chảy máu hoặc xuất hiện dịch nướu. Trường hợp khe nướu sâu hơn 4mm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý viêm nha chu.

khái niệm nướu răng là gì

Hình ảnh minh họa nướu khỏe mạnh

3.4. Bề mặt nướu

Khi nướu khỏe mạnh, trên bề mặt có rất nhiều chấm nhỏ li ti màu da cam. Khi nướu có vấn đề, những chấm nhỏ này cũng sẽ lần lượt giảm dần hoặc mất đi. 

Khi Quý khách dùng tay sờ vào nướu khỏe mạnh có thể cảm nhận được sự săn chắc, đàn hồi. Khi quan sát trực tiếp bằng mắt thường, Quý khách có thể thấy nướu bám chặt vào các mô và ôm sát chân răng.

4. Cách chăm sóc để nướu răng luôn khỏe mạnh

Để nướu răng luôn khỏe mạnh, Quý khách cần vệ sinh và chăm sóc nướu răng bằng nhiều phương pháp khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý từ Nha khoa Tâm Đức Smile.

4.1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Quý khách nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng các loại kem đánh răng có thành phần florua. Ngoài ra, Quý khách có thể sử dụng bàn chải kẽ răng, chỉ nha khoa, tăm nước,… để làm sạch thức ăn thừa, ngăn ngừa mảng bám. Quý khách nên sử dụng bàn chải đánh răng có đầu lông mềm để tránh làm tổn thương răng và nướu.

4.2. Chế độ ăn uống lành mạnh

Những loại thực phẩm chứa nhiều axit có thể làm mất độ pH ổn định trên răng. Nhóm thức ăn giàu tinh bột và đường thường làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám. Những loại thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc cứng, dai đều có thể làm tổn thương nướu. Vì vậy, tốt nhất Quý khách nên hạn chế những nhóm thức ăn này.

Thay vào đó, Quý khách hãy bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày nhiều rau, trái cây, các loại đậu và cá. Chúng vừa cung cấp đầy đủ, đa dạng dinh dưỡng, lại hỗ trợ giảm viêm và ngăn ngừa các bệnh về nướu.

4.3. Thăm khám tại nha khoa

Quý khách nên tới nha khoa để khám và cạo vôi răng định kỳ 3-6 tháng/lần. Việc thăm khám tại nha khoa giúp Quý khách kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường của nướu và có phương pháp điều trị hiệu quả.

khám răng tại nha khoa

Khám răng định kỳ tại nha khoa để phát hiện và điều trị sớm các dấu hiệu bất thường của răng miệng

Khi phát hiện nướu bị chảy máu, sưng và có túi mủ, teo nướu,… Quý khách hãy đi khám ngay. Bác sĩ sẽ kiểm tra nướu và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Trên đây là những thông tin làm rõ nướu răng là gì và cách chăm sóc để nướu răng luôn khỏe mạnh. Bất kỳ tổn thương nướu nào nếu không được khắc phục đều có thể gây ảnh hưởng tới chân răng, xương hàm và tổng thể khoang miệng. Vì vậy, Quý khách nên vệ sinh nướu đúng cách và thăm khám định kỳ tại nha khoa để bảo vệ nướu một cách tốt nhất.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN TRỰC TIẾP

Hoặc gọi 1900 8040 để được hỗ trợ trực tiếp